Tin Tức & Sự Kiện

Các loại phân bón mà nông dân nhất định phải biết - Ưu và nhược điểm của từng loại!
Chủ nhật, 21:54 Ngày 05/04/2020.

Hẳn bất cứ nhà nông nào cũng đều từng rất băn khoăn và phân vân về việc chọn loại phân bón nào cho từng loại cây trồng, bởi trên thị trường hiện nay có vô số loại phân bón với công dụng, thành phần, cách sử dụng khác nhau. Mỗi loại cây sẽ có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau, mỗi thời điểm sẽ cần những loại phân khác nhau, vậy thì làm sao bà con có thể lựa chọn chính xác loại phân bón phù hợp để đạt cây trồng đạt năng suất cao? Trong bài viết này, Vĩnh Thạnh sẽ chỉ rõ ra các loại phân bón mà nông dân nhất định phải biết và ưu nhược điểm của từng loại để bà con dễ nắm bắt.

I. PHÂN HỮU CƠ

Phân hữu cơ là loại phân được sản xuất từ phân của các loài động vật như gia súc gia cầm, lá cây, than bùn, chất thải từ các nhà máy…

Loại phân này có vai trò cung cấp chất dinh dưỡng, bổ sung chất mùn cho đất giúp tăng độ phì nhiêu, tơi xốp, cung cấp các vi sinh vật có lợi.... Bên cạnh đó, phân hữu cơ còn kích thích các vi sinh vật có sẵn trong đất, thúc đẩy chúng hoạt động để giúp cây trồng phát triển và sinh trưởng mạnh mẽ hơn.

Phân loại phân hữu cơ

Bao gồm 2 loại chính

1. Phân hữu cơ truyền thống (Phân Chuồng, Phân Rác, Phân Xanh…)

Ưu điểm:

Cung cấp nhiều loại chất dinh dưỡng khoáng đa lượng, trung và vi lượng cho cây trồng

Tăng độ phì nhiêu, tơi xốp cho đất

Nhược điểm

Hàm lượng chất dinh dưỡng thấp nên cần bón với khối lượng lớn (10-20 tấn/ha/năm)

Nếu ủ phân không kỹ, chưa hoai mục có thể gây ngộ độc đất, ngộ độc cây, sẽ gây bệnh cho cây trồng

2. Phân hữu cơ chế biến công nghiệp

Là loại phân bón được chế biến theo quy trình công nghiệp, áp dụng công nghệ hiện đại và tiến bộ để sản xuất phân bón với khối lượng rất lớn (lên đến hàng ngàn tấn), có chất lượng dinh dưỡng tốt hơn. 

Có thể chia thành 2 nhóm

a. Nhóm phân hữu cơ bón gốc

Trong nhóm này này có nhiều loại như phân hữu cơ vi sinh, phân hữu cơ, phân hữu cơ khoáng... đặc điểm của nhóm này là có hàm lượng chất hữu cơ cao từ 15-75%, có chứa nhiều acid humic, hệ mem, enzym, kích thích tố và các vi sinh vật có lợi, ngoài ra còn chứa các nguyên tố đa trung vi lượng nhiều gấp 5-10 lần phân hữu cơ truyền thống.

Ưu điểm: 

Do được sản xuất từ các nhà máy sản xuất phân bón cho nên chất lượng sản phẩm sẽ tốt hơn phân hữu cơ truyền thống

Các chất dinh dưỡng, hữu cơ, hệ vi sinh vật, hệ mem, enzym tương đối cao hơn, đảm bảo hơn so với phân hữu cơ truyền thống

Giảm chi phí nhân công, vận chuyển so với sử dụng phân hữu cơ truyền thống, giúp cải tạo đất trồng hiệu quả.

Nhược điểm:

Do hàm lượng các chất dinh dưỡng không cao cho nên phải sử dụng với số lượng lớn

Lưu ý khi lựa chọn loại phân này:

Nên chọn sản phẩm của các công ty uy tín.

Nên chọn những sản phẩm có hàm lượng chất hữu cơ (OM) cao từ 50-70%OM

Nên chọn những sản phẩm có chứng nhận bởi các tổ chức chứng nhận hữu cơ uy tín thế giới như OMRI, CONTROL UNION...

b. Nhóm phân hữu cơ sinh học bón qua lá

Là loại phân được sản xuất bằng công nghệ sinh học theo cách xử lý lên men và pha trộn thêm một số thành phần khác để làm tăng độ hữu hiệu của phân và cân bằng các hàm chất dinh dưỡng cần thiết. Loại phân này có ở dạng bột và dạng lỏng, có thể dùng để bón gốc hoặc phun trực tiếp lên lá. Nhóm này gồm các loại như: Acid Humic, Rong biển, Amino Acid,...

II. PHÂN VÔ CƠ (hay còn gọi là phân bón hoá học) 

  1. Ưu nhược điểm của phân bón vô cơ:

Trong thực tế, để đáp ứng yêu cầu thâm canh, tăng năng suất và phẩm chất cây trồng, ngoài việc thường xuyên bồi dưỡng chất hữu cơ thì cần phải cung cấp đầy đủ và cân đối các loại phân bón vô cơ cho cây trồng ở nhóm đa lượng, trung lượng và cả vi lượng đã tiêu hao do cây trồng lấy đi trong quá trình sinh trưởng và phát triển.

Phân bón vô cơ có ưu điểm là mức độ đậm đặc cao nên giảm công vận chuyển, cây trồng có thể hấp thụ nhanh, đáp ứng kịp thời yêu cầu sinh trưởng. Đối với loại phân phức hợp thì cùng một lúc có thể cung cấp nhiều loại dinh dưỡng khoáng cho cây trồng.

Phân vô cơ có hạn chế là nếu sử dụng với số lượng nhiều mà không chú ý đến biện pháp bón vôi cải tạo đất và bồi dưỡng phân hữu cơ thì nó sẽ làm ảnh hưởng đến tính chất lý, hoá của đất, làm cho đất bị chua, chai cứng, ảnh hưởng trực tiếp đến tập đoàn vi sinh vật có lợi trong đất, đồng thời hiệu quả sử dụng phân bón của cây trồng bị giảm sút.

Việc sử dụng phân bón vô cơ còn góp phần làm ảnh hưởng đến dư lượng tồn đọng trong nông sản, hạn chế việc đáp ứng yêu cầu sản xuất nông sản sạch và an toàn.

  1. Các loại phân bón vô cơ và tác dụng:

a. Phân đơn

Là loại phân chỉ chứa 1 trong 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng sau: Đạm (N), Kali (K), Lân (P). Ứng với mỗi nguyên tố, phân đơn bao gồm các loại sau: Phân Đạm, Phân Kali và Phân Lân

  • Phân đạm: 

Đạm là chất dinh dưỡng cơ bản nhất tham gia vào thành phần các chất trong cây. Bón phân đạm tăng cường thúc đẩy tăng trưởng của cây, tạo nhiều chồi, cành lá, làm lá to, xanh, quang hợp mạnh, tăng năng suất cây trồng.

Một số loại phân đạm thông dụng:

Phân Urê: có chứa 44-46% đạm nguyên chất.

Phân SA (Sulphate Amon, amonium sulphate…): có chứa 20-21% đạm nguyên chất và 24% lưu huỳnh (S)

  •  Phân Lân

Lân kích thích sự phát triển của bộ rễ nên liên quan đến đặc tính chống đổ ngã, chịu hạn, giúp cây đẻ nhiều chồi, nhánh, ra hoa kết qủa nhiều và sớm.

Một số loại phân lân thông dụng:

Super lân (lân chua): có 15-24% P2O5

Lân Apatit (lân nung chảy, lân nhiệt luyện, Temo phốt phát hoặc lân phốt phát - canxi - magiê…): thành phần có 15-20% P2O5, 28-32% Can xi, 17-20% Ma giê, 20-24% Silic và nhiều nguyên tố vi lượng như sắt, đồng, mangan...

  •  Phân Kali

Kali đóng vai trò chủ yếu trong quá trình đồng hoá vật chất của cây trồng, tăng khả năng chống chịu của cây (nóng, rét, sâu bệnh, úng, hạn), tăng năng suất và phẩm chất nông sản.

Các loại phân kali thông dụng:

Kali clorua (KCl): có màu đỏ hoặc trắng, dạng bột hoặc hạt, có chứa 60-61% K2O. Đây là loại phân sinh lý chua, nên hạn chế bón cho đất mặn, chua hay những cây trồng như thuốc lá, sầu riêng…

Kali sun phát (K2SO4): dạng màu trắng chứa 50-51% K2O và 18%S. Thích hợp bón cho nhiều loại cây trồng.

Phân Kali - Ma giê - Sun phát: chứa 30% K2O, 6%Mg, 18%S.

b. Phân phức hợp, phân trộn, phân NPK

Đây là dạng phân có chứa 2 hay nhiều nguyên tố dinh dưỡng chính được đánh dấu theo thứ tự N, P, K. Có ưu điểm là chất lượng đậm đặc, giảm công vận chuyển, dễ bảo quản, sử dụng cho nhiều loại cây trồng khác nhau.

Một số loại phân phức hợp thông dụng:

+ DAP (Diamon Phosphate) hàm lượng phổ biến là 18-46-0, nghĩa là không chứa Kali. Phân DAP có hàm lượng lân cao, thích hợp cho đất phèn, đất bazan, thích hợp cho cây con, cây hoa.

+ MAP (Monoamonium Phosphate) hàm lượng phổ biến là 12-61-0, nghĩa là không chứa Kali

+ MKP (Mono potassium Phosphate) hàm lượng phổ biến là 0-52-34, nghĩa là không chứa đạm (N)

+ KNO3 (potassium nitrate) hàm lượng phổ biến là 13-0-46, nghĩa là không chứa lân.

+ Phân bón NPK: là loại phân có chứa cả 3 chất đạm, lân, kali; có thể 3-4 màu hoặc 1 màu.

Các loại phân NPK thông dụng như: 16-16-8, 20-20-15, 15-5-20, 12-12-17, 16-8-16, 30-9-9, 25-9-9...

c. Phân trung vi lượng

Là loại phân bón cung cấp một hay nhiều chất trung vi lượng như Mg, Ca, S, B, Zn, Fe,...Các loại phân trung vi lượng điểm hình như Canxi nitrat, magiê nitrat, magie sun phát, combi gold, micro combi...Ưu điểm của các loại phân này là cung cấp các chất trung vi lượng ở hàm lượng cao, giảm thiểu được hiện tượng thiếu trung vi lượng trên cây trồng, góp phần tăng năng suất và chất lượng nông sản.

d. Phân bón qua lá

Là loại phân có hiệu quả cao, nguyên liệu được sử lý ở độ tinh khiết cao, cây trồng có thể hấp thụ dinh dưỡng đạt đến mức trên 90%. Phân bón lá có hiệu lực nhanh (2-3 giờ) nên bổ sung dinh dưỡng rất kịp thời cho cây trồng ở giai đoạn ra hoa, kết quả; giúp cây nhanh chóng phục hồi khi bị sâu bệnh, ngập lụt hay trong đất thiếu hụt dinh dưỡng.

Sử dụng phân bón lá là một biện pháp quan trọng trong thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng nông sản, phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp bền vững.

Lời kết

Với bài chia sẻ về các loại phân bón mà nông dân nhất định phải biết trên đây, bên cạnh đó là phân tích về ưu và nhược điểm của từng loại, Vĩnh Thạnh hy vọng đã giúp bà con có thêm nhiều thông tin bổ ích để hiểu biết thêm và có những sự lựa chọn phân bón phù hợp với từng loại cây trồng theo từng thời điểm.

TIN TỨC LIÊN QUAN